Thursday, December 31, 2015

Why is Buddha still relevant?

Trong Tăng Chi Bộ kinh (III. 539-43), thường được biết là Bài kinh Phật thuyết cho người dân Kalama như sau :
         “Một ngày kia, đức Phật đi qua một thị trấn nhỏ, tên là Kesaputta, thuộc vương quốc Kosala.  Người dân tại đó gọi là dân Kalama liền tới thăm đức Phật và trình bày sự hoang mang của họ trước sự kiện các sa-môn và tu sĩ Bà-la-môn đi ngang qua đây, đều đề cao tôn chỉ của mình và chê bai tôn chỉ của người khác.  Như vậy, họ đâm ra nghi ngờ, không biết người nào nói thật, người nào nói sai, không biết nên tin theo ai.
Đức Phật bèn giảng cho họ về mười nền tảng của một niềm tin tốt – niềm tin chân chánh, và khuyên họ luôn giữ tinh thần phê phán, không chấp nhận một điều gì là thật trước khi tự mình kiểm chứng và thực nghiệm...
Đức Phật nói: Này các thiện nam tín nữ Kalama, nhân đây Như Lai sẽ giảng giải về 10 nền tảng của niềm tin chân chánh:
     - Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
- Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
- Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
- Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.
- Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.
- Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
- Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
- Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
- Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
- Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.
Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm, chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy: "Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán, nếu sống và thực hiện lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu, về dài" thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo”.
          Có lẽ trong suốt lịch sử nhân loại, chưa có một triết gia hay một giáo chủ tôn giáo nào có một thái độ tự do, cởi mở, đề cao lý trí và thực nghiệm như vậy.  Ngoài đức Phật ra, ai có thể nói với người khác được rằng:  Đừng tin vào kinh điển, đừng tin vào lời dạy của chính mình!
     Niềm tin chân chánh trong đạo Phật phải là những gì đem lại kết quả lợi ích thiết thực và hiện tại, không thêu dệt hay hứa hẹn, bởi:  “Tất cả những điều Như Lai dạy cũng như ngón tay chỉ mặt trăng.  Hãy đừng lầm lẫn ngón tay với mặt trăng” – kinh Viên Giác.  Ngoài ra, đức Phật còn cảnh báo thêm:  "Ai tin tưởng Như Lai mà không hiểu Như Lai, tức là phỉ báng Như Lai vậy–  kinh A Hàm.

No comments:

Post a Comment