Saturday, January 23, 2016

Religion and True Enlightenment. Not all religions are equal Not all men understand Religion the same way

Chào bác Tiến thân mến,
 
    Bác Tiến đánh máy thiếu 2 chữ tự do thành ra ý nghĩa của vấn đề bị chạy lệch hướng. Trong thư trả lời thầy HQ hôm qua 21/01/2016 tui có ghi “Tự do Tôn giáo là một sai lầm muôn đời của nhân loại!”.
 
    Tôn giáo như nhiều lần trao đổi, tui có nói về hoàn cảnh ra đời và tồn tại của Tôn giáo xưa nay là do mặt bằng yếu tố tình cảm nơi con người vượt trội hơn lý trí. Tuy tình cảm là một yếu tố, một nhu cầu trong đời sống con người, nhưng phán đoán theo tình cảm rất dễ sai lầm, nên ở cường độ cao của tình cảm chính là niềm tin cùng phán đoán trực giác lại càng nên có những cảnh giác hạn chế để tránh tai hại. Chúng ta cũng đã từng biết rằng để hạn chế sai lầm của trực giác thì lý trí suy luận nhất thiết phải tham gia vào quá trình nhận thức.
 
    Trong phần lớn các Tôn giáo, niềm tin được gọi là đức tin nhằm tô hồng cho niềm tin. Còn lý trí thì được Tôn giáo sử dụng như là công cụ ngụy biện để đề cao cái đức tin cùng trực giác để khống chế sai khiến con người; nếu tinh ý chúng ta sẽ thấy Tôn giáo và Chủ nghĩa Chính trị có cùng phương cách giáo dục nhồi sọ nhằm tạo ra những con người trung thành mù quáng để dễ sai khiến.
 
    Vì thế, khi cho Tôn giáo quyền tự do thì không khéo các tổ chức lợi ích riêng nào dó có thể lợi dụng Tôn giáo, gây ra xáo loạn xã hội.
 
    Theo chỗ tui hiểu thì Phật giáo có khác với các tôn giáo khác ở chỗ giáo dục được chia ra  theo trình độ nhận thức và hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức lý trí, mà ở đỉnh cao là nhận thức lẽ thật khách quan: “Duy Tuệ thị nghiệp” (Tuệ giác là sự nghiệp), có thể  được phân tích như sau:
 
- Cấp độ 1:  Người theo đạo có mặt bằng tình cảm cao hơn lý trí. Đạo Phật bấy giờ đóng vai trò Tôn giáo trong giáo dục. Niềm tin là khởi điểm, nhưng người theo đạo dần được khai mở nâng cao lý trí trong nhận thức bằng các lý lẽ Nhân Quả nhằm tránh sự ỷ lại của niềm tin ân sủng, và Từ Bi (tình cảm) + Trí Tuệ (lý trí) nhằm tránh sự si mê cực đoan tình yêu bởi thiếu vắng lý trí.  Hành giả còn áp dụng lý Nhân Quả và Từ Bi-Trí Tuệ hành độngtheo Bát Chánh Đạo cho đời sống xã hội được tốt đẹp. 

- Cấp độ 2: Người theo đạo có mặt bằng tình cảm thấp hơn lý trí. Đạo Phật bấy giờ đóng vai trò Triết học trong giáo dục. Niềm tin vào bên ngoài mờ nhạt và tự tin đóng vai trò chủ yếu. Hành giả phát triển nhận thức Nhân Quả, Từ Bi-Trí Tuệ ở cấp độ cao hơn cùng các lý lẽ Vô thường, Vô ngã (dựa trên nguyên lý Duyên khởi), đồng thời phát triển hành động Bát Chánh Đạo dựa theo các nhận thức nâng cao này.
 
    Chính trên sự phát triển Tuệ giác mà hành giả của đạo Phật tuy sống với tình cảm và lý trí như mọi con người, nhưng họ không dính mắc vào các tình cảm và lý trí này. Cho nên người ta gọi hành giả nơi đạo Phật là bậc Giác ngộ-Giải thoát (= tự do từ nhận thức lẽ thật ở ngay chính mình), không bị ràng buộc vào các điều kiện ước lệ của xã hội hay Tôn giáo.
 
    Tui tìm hiểu và sống theo cái hay thiết thực từ Tôn giáo chứ không để mình bị lệ thuộc đáng tiếc vào Tôn giáo. Cảnh chùa hay nhà thờ là nơi để thư giãn qua hình ảnh hay du lịch tại chỗ mà thôi, chẳng phải quảng cáo gì cả!
 
TTH

No comments:

Post a Comment