Saturday, December 12, 2009

“ SỢ "

“ SỢ ”
VÀ MỐI NGUY MẤT NƯỚC CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.

Sợ là một trong những bản tánh tự nhiên của con người.
Trong gia đình, con cái kính sợ ông bà cha mẹ. Con cháu sợ trong sự tôn kính và thương yêu bậc sinh thành đã khổ công sinh dưỡng.
Trong trường học, học sinh kính sợ thầy cô giáo. Sợ của học trò xuất phát từ lòng “tôn sư trọng đạo” đã ăn sâu trong tâm thức mọi người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Sợ được quyện chung với sự kính trọng và tình thầy trò.
Ngoài xã hội, “cái” sợ nó bao quát và có sự tương tác đa chiều. Kẻ gian sợ lẽ phải, sợ luật pháp, mà đại diện luật pháp là tòa án. Giữa chánh quyền và dân chúng cái sợ nó hỗ tương nhau. Dân tôn trọng (sợ) chính quyền, ngược lại chánh quyền cũng trọng (sợ) dân.Trong xã hội thực sự dân chủ tự do, chánh quyền biết sợ dân - sợ lòng dân. Chính quyền luôn sợ dân không còn tiếp tục tin tưởng trao cho trách nhiệm cai trị đất nước nếu họ không đáp ứng nguyện vọng của dân hay thành tích của họ không đạt yêu cầu..

Cái sợ trong gia đình, ngoài xã hội, giữa dân và những người lãnh đạo Việt Nam qua nhiều thời đại đã và đang thể hiện ra sao?

1.Cái sợ trong thời kỳ Việt Nam sống dưới chế độ quân chủ.
Trong suốt thời gian nước ta sống dưới chế độ quân chủ, xã hội Việt phát triển theo triết lý sống của Khổng Mạnh, Lão Trang và Phật Giáo. Cái sợ từ trong gia đình đến ngoài xã hội được lồng trong vòng lễ giáo, đạo làm người, và trật tự xã hội trên dưới phân minh.
Trên bình diện quốc gia, dân và quân thần luôn thấm nhuần câu tâm niệm: “dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Lời tâm niệm này có nghĩa tổng quát là: “trong một quốc gia, dân được quí trọng nhứt, kế đến là các đoàn thể trong xả hội, sau cùng mới là vua”. Như vậy, từ ngàn xưa, tuy vua quan cai trị dân, nắm giử guồng máy điều hành quốc gia và có nhiều quyền hành, họ cũng sợ, đó là họ sợ dân - sợ lòng dân không phục không theo. Nếu một triều vua nào trở nên bạo ngược hủ bại giết hại dân lành, hay mãi quốc cầu vinh thì lòng dân sẽ phẫn uất, sĩ phu yêu nước sẽ cùng dân đứng lên lật đổ và thay vào đó một triều đại khác.
Về mặt đối ngoại, toàn dân và triều đình luôn luôn sợ nước láng giềng Trung Hoa to lớn hung hãn và thường xuyên có ý đồ xâm chiếm Việt Nam. Trong suốt 4000 năm lịch sử, dân Việt phải liên tục chống lại hành động xâm lược của nhiều triều đại Trung Hoa. Tuy tổ tiên chúng ta rất sợ Trung Hoa xâm lược nhưng không vì thế mà cả nước buông xuôi chấp nhận bị mất nước và bị đồng hóa. Vì luôn sợ giặc ngoại xâm nên các triều vua cuối cùng của nhà Nguyễn đã tiếp tục dùng biện pháp bế quan tỏa cảng trong việc giao thương với các nước phương Tây. Hậu quả Việt Nam bị Pháp đô hộ gần 100 năm, làm cho đất nước bị chậm tiến và dân chúng bị nghèo khổ. (Trong khi đó, Nhật chưa bao giờ bị nước khác xâm lược và họ không cưu mang cái sợ bị xâm lược và bị đô hộ. Người Nhật tuy lúc đầu cũng có thực hiện đường lối bài ngoại nhưng đã nhanh chóng thay đổi chính sách và đã chấp nhận giao thương, học hỏi những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật của phương Tây và nhanh chóng trở thành một quốc gia tân tiến hùng mạnh.)

2.Cái sợ trong thời kỳ Việt Nam bị Pháp thuộc.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, người dân sợ chánh quyền bảo hộ Pháp. Nhưng trong cái sợ có thêm cái ghét. Sợ là vì bị cai trị và bóc lột bởi một chánh quyền ngoại lai tàn bạo. Ghét là vì những người cai trị là người không cùng dòng giống. Tuy người Pháp cai trị hà khắc và đàn áp những phong trào chống đối đòi độc lập tự chủ nhưng họ cũng sợ dân bản xứ. Người dân vẫn tiếp tục sinh hoạt bình thường theo phong tục tập quán đã có từ ngàn xưa. Dân chúng, những thành phần trí thức khoa bản, vẫn có một số quyền tự do căn bản như thông tin báo chí, lập hội, tín ngưỡng, giáo dục v.v. Tuy sưu cao thuế nặng nhưng người dân được làm ăn sinh sống bình thường. Nói chung, về căn bản cuộc sống hằng ngày không bị đảo lộn nếu người dân không chống đối hay có những hành động ảnh hưởng đến uy quyền và sự cai trị của họ.

3.Cái sợ của dân Việt sau thời kỳ Pháp thuộc.
Sau khi giành lại độc lập, đất nước bị phân chia và theo hai chế độ chính trị đối nghịch, tư bản đối với cộng sản, trong thời gian từ năm 1954 đến 1975. Sau đó cả nước phải sống dưới chế độ cộng sản độc tài chuyên chính.

3.1. Cái sợ của dân Việt tại miền Nam sống dưới chế độ tư bản (1954-1975)
Tuy bi Pháp đô hộ gần 100 năm nhưng cách sống và phong tục tập quán, truyền thống Nho Giáo và Phật Giáo vẫn được tiếp tục duy trì và bổ xung với những điều truyền dạy của các đạo giáo khác như Thiên Chúa, Hồi, Bà La Môn, v.v . Ngoài ra người dân còn được hấp thụ thêm những cách sống và lối suy nghĩ mới của phương Tây.
Cái sợ của dân chúng vẫn tiếp tục trong trật tự xã hội lễ giáo, phải trái, gian ngay. Xã hội miền Nam vẩn tiếp tục sinh hoạt bình thường như bao đời nay. Thay đổi duy nhất là cơ cấu chính trị. Chế độ quân chủ chuyên chế trước kia nay được thay thế bằng một chế độ dân chủ theo phương cách của các nước Tây Phương, trong đó dân là chủ và có quyền chọn người điều hành quốc gia qua các hình thức bầu cử. Tuy mới trong bước đầu theo chế độ dân chủ nhưng hoạt động chính trị và xã hội rất sinh động.
Nói chung, cái sợ vẫn là cái sợ truyền thống của những người làm điều sai trái. Chánh quyền sợ lòng dân. Trách nhiệm và quyền hạn của dân và chánh quyền được Hiến Pháp qui định rỏ.

3.2. Cái sợ của dân Việt sống dưới chế độ cộng sản.
Dưới sự cai trị hà khắc, sắt máu của đảng cộng sản, cái sợ của dân Việt đối với nhà nước cộng sản được nâng lên mức tột đỉnh, thành nỗi kinh hoàng.

Dân miền Nam sau chỉ một thời gian ngắn, chỉ một vài năm, sống dưới chế độ cộng sản, cuộc sống bình lặng của họ đã nhanh chóng trở thành cơn ác mộng kinh hoàng và triền miên. Cả thể xác lẫn tinh thần bị hành hạ và khủng bố liên tục. Nổi kinh hoàng khi phải sống dưới sự cai trị của cộng sản đả khiến cho nhiều triệu người dân miền Nam thuộc mọi thành phần trong xã hội liều mạng sống vượt thoát khỏi quê hương xứ sở tỵ nạn trên khắp thế giới.
Nền tảng luân lý đạo đức truyền thống đã có từ bao đời nay bị đảng cộng sản Việt Nam lên án gay gắt, loại bỏ và bị thay thế bằng một loại đạo đức xa lạ mà đảng cộng sản gọi là “đạo đức xã hội chủ nghĩa”. Truyền thống gia đình bị thay thế bằng truyền thống đảng, đưa đến hậu quả tai hại không kể xiết. Tệ hại nhất là tình thâm huyết thống cũng bị hủy diệt và nhiều hành động trái luân thường đạo lý đã xảy ra qua cảnh người thân bị chính con cháu mình đem ra đấu tố và hạch tội. Hành động ngang nhiên cướp đoạt tài sản, giết dân vô tội chỉ vì họ có tài sản, tôn thờ ngoại bang được đảng cho lên làm quốc sách. Một số bài thơ dưới đây của một cán bộ cao cấp Việt cộng trong ban lãnh đạo tối cao của đảng cộng sản, Tố Hữu, chứng minh điều này:

“Cải cách ruộng đất”, năm 1956
….
Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ. Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong. Cho đảng bền lâu, Thờ Mao Chủ Tịch, Thờ Sít-Ta-Lin bất diệt.
……

“Bài ca tháng Mười”, năm 1950
…..
Những đầu lên máy chém.
Nhìn đao phủ, hiên ngang:
“Muôn năm, Đảng Cộng Sản!
“Chào Xô Viết Liên Bang!”
…..
“Khóc Stalin chết”, năm 1953
…..
Stalin ! Stalin!
Hỡi ơi ông mất đất trời còn không?
Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình, thương một thương ông thương mười!
……

Cái sợ kinh hoàng của dân chúng và trí thức miền Bắc sống dưới chế độ cộng sản trong hơn 50 năm qua được nhạc sĩ Tô Hải viết rất rỏ ràng trong cuốn sách vừa phát hành với tựa đề: “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn”.

Cái sợ và nỗi kinh hoàng không chỉ tồn tại dai dẳng với dân Việt trong nước mà nó vẫn tiếp tục đeo đuổi theo những người Việt đã thoát khỏi Việt Nam và đang sống trong các nước tư do dân chủ trên thế giới. Đặc biệt là tầng lớp trí thức, một số vẫn còn mang tâm trạng sợ guồng máy công an mật vụ khủng bố, và cũng có thái độ như Tô Hải vừa tự thuật.Tuy vậy, một vài trí thức tỵ nạn cộng sản không còn một chút liêm sĩ và tự trọng tối thiểu của người có giáo dục, đã vội vàng tự lột xác và trở lại làm tay sai cho Việt cộng. Họ về nước tham dự đaị hội nhằm tuyên truyền cho chế độ. Họ không chút hổ thẹn khi vênh váo cho biết đã hoan hô đảng cộng sản Việt Nam “muôn năm”, Hồ Chí Minh “muôn năm”, trong lúc đất biển đảo đang bị Trung Cộng chiếm đoạt và dân Việt bị bắt giết không nương tay ngoài Biển Đông, và anh chị em trẻ can trường đứng lên bày tỏ lòng yêu nước chống Trung Cộng xâm lược bị khủng bố bắt giam.
Cộng sản Việt Nam đã và đang gieo rắc nỗi kinh hoàng không cùng trên toàn dân Việt Nam, biến dân Việt vốn có truyền thống dũng cảm thành những người hèn yếu bạc nhược, cả về thể xác lẫn tinh thần.

Dưới sự cai tri độc đoán tàn bạo của đảng cộng sản Việt Nam:
Người ngay sợ kẻ cướp.
Trí thức phải phục tòng người dốt.
Đảng viên ngang nhiên cướp tài sản của dân và đất nước, hủy hoại tài nguyên quốc gia.
Đặt đảng cao quí trên cả quốc gia, dân tộc, và bắt buộc người dân yêu đảng cộng sản trước, yêu nước sau và phải yêu nước theo chỉ đạo của đảng.

Trong nước, cộng sản Việt Nam gieo rắc kinh hoàng trên toàn dân. Toàn dân sợ đảng, sợ đảng viên đảng cộng sản. Cái sợ triền miên làm cho dân chúng thờ ơ trước những nghịch cảnh đang xảy ra trong xã hội và trên cả nước. Vì miếng cơm, manh áo, người dân không tha thiết đến giá trị căn bản con người, tinh thần dân tộc. và đành phải chấp nhận kéo dài cuộc sống nô lệ tôi đòi. Để bảo vệ tuyệt đối quyền lợi của đảng và đảng viên, đảng và nhà nước cộng sản tiếp tục đàn áp, khủng bố và gieo rắc kinh hoàng cho những ai có thái độ phê phán họ, dầu chỉ một lời nói hay một vài lời góp ý. Những hành động ấy thực ra chỉ là để che đậy sự sợ hãi rất to lớn của họ đối với người dân.

Người dân trong nước cũng vì sợ sự khủng bố sắt máu của đảng cộng sản, nên đa số đành phải chấp nhận để cho cán bộ Việt cộng ngang nhiên tịch thu và cướp đoạt tài sản do họ bỏ nhiều công sức tạo ra, hay phần đất đai ruộng vườn của tổ tiên để lại. Những việc đau lòng này không những chỉ xảy ra khi đảng cộng sản mới cướp được chính quyền mà cho đến lúc này họ vẫn tiếp tục làm, ngay cả với những gia đình mà trước kia cán bộ cộng sản được họ đùm bọc. Những ngươi dân bất hạnh này được dân gọi môt cách mỉa mai là “dân oan”.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, có rất nhiều thanh niên nam nữ tuy tuổi đời rất thấp nhưng đã dũng cảm đứng lên đòi lại quyền tư do dân chủ, quyền làm người cho mình và cho toàn dân mà do chính Hiến Pháp bù nhìn của chính đảng cộng sản Việt Nam đưa ra. Họ rất can trường, chấp nhân tù đày và không chịu khuất phục trước bất kỳ hành động trấn áp khủng bố của guồng máy cai trị độc đoán của đảng cộng sản Việt Nam. Đó là những anh hùng kiệt nữ, nào Lê Thị Công Nhân, nào Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Nguyễn Vũ Bình, Vũ Hùng, Nguyễn Tiến Trung, mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Đoan Trang, và nhiều bạn trẻ yêu nước khác.
Quá phẫn uất với hành động côn đồ bá quyền, và xâm lược trắng trợn của Trung Cộng nhằm xâm chiếm vĩnh viễn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, ngày 09 tháng 12 năm 2007 và những ngày tiếp theo sau đó, tầng tầng lớp lớp trẻ khắp cả nước đã gạt bỏ tâm trạng sợ đảng cộng sản và guồng máy đàn áp của đảng, đồng loạt xuống đường phản đối và tố cáo Trung Cộng tuy thừa biết rằng sau đó họ sẽ bị công an mật vụ đàn áp rất thô bạo.
Những sự kiện vô cùng quan trọng này đã nói lên rằng lớp vỏ bao phủ nỗi sợ kinh hoàng của dân Việt, đặc biệt lớp trẻ, tưởng chừng không thể nào bị chọc thủng, nay đã bị chính tầng lớp trẻ trong nước từng bước phá bỏ. Con đường đấu tranh chống bạo quyền nay đã được chính lớp trẻ trong nước khai phóng và đang tiến tới.

Đảng cộng sản cai trị cả nước cũng đang sợ, rất sợ. Họ sợ mất cái độc quyền cai trị, độc quyền sở hữu tài sản quốc gia, mất quyền tiếp thu (cướp) tài sản của dân làm tài sản đảng (viên).
Để bảo vệ quyền cai trị tuyệt đối và quyền lợi vật chất tuyệt đối, đảng cộng sản Việt Nam:
Đối với dân và các tầng lớp trí thức tiến bộ trong nước họ đàn áp không nương tay.
Đối với người Việt ngoài nước họ ra sức chiêu dụ bằng mọi mánh khoé, cho hưởng các đặc ân về vật chất, ban cho một chút danh vọng và đôi lời tuyên dương.
Đối với ngoại bang họ trở nên nhu nhược, tùng phục để được che chở, giúp họ tiếp tục cai trị và trục lợi. Họ sẵn sàng thỏa mãn bất cứ đòi hỏi nào của ngoại bang, kể cả hành động khủng bố bỏ tù không nương tay những người Việt yêu nước can đảm lên tiếng phản đối chống lại Trung Cộng.

Trước hành động xâm lược trắng trợn và hung bạo của Trung Cộng, đảng cộng sản Việt Nam tỏ ra rất nhu nhược. Thay vì đồng tình với toàn dân, họ một mặt đàn áp bắt bớ những người dân yêu nước đứng lên tố cáo và chống lại hành động xâm lược của Trung Cộng, mặt khác họ lại tiếp tục kết thân và sẵn sàng tiếp tục nhường đất, biển, đảo cho Trung Cộng. Đất nước Việt Nam hiện đang bị Trung Cộng thầm lặng chiếm đoạt với sự tiếp tay của chính đảng cộng sản Việt Nam.

Vì cái sợ do chế độ cộng sản gây ra với toàn dân Việt nên hậu quả vô cùng nguy hại là người dân tỏ ra thờ ơ và dửng dưng trước nguy cơ mất nước vào tay Trung Cộng. Họ mang một tâm tư rằng “cái đất nước này tất cả đã là của đảng cộng sản Việt Nam, dân không cần lo, đảng lo”. Mối nguy tệ hại nhất đang đè nặng lên nước ta là vết thương tâm lý chí mạng đã, đang làm phá sản ý chí quật cường tự chủ và tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của thế hệ trẻ hiện nay và mai sau.
Tinh thần và tâm lý của dân chúng, đặc biệt của lớp trẻ, đã như vậy, phía đảng và nhà nước như thế nào?
Đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn bí mật cấu kết với Trung Cộng qua suốt thời gian Hồ Chí Minh lãnh đạo đảng cộng sản và nắm quyền chủ tịch nuớc cho tới nay. Trong đó hành động liên tục dâng hiến đất biển đảo cho Trung Cộng chứng tỏ rỏ ràng đảng và nhà nuớc cộng sản Việt Nam tự họ biến thành những tên thái thú luôn luôn tích cực tiếp tay cho giặc, mãi quốc cầu vinh.

Nếu cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục độc quyền cai trị, vẫn ngoan cố kiêu căng, vẫn không lắng nghe lòng dân; hiểm họa Việt Nam mất vào tay bá quyền Trung Cộng không chỉ là mối nguy mà là sự thật đang xảy ra.

Để cứu nguy và bảo vệ tổ quốc không bị mất vào tay Trung Cộng:

Toàn dân Việt trong và ngoài nước chỉ sợ lẻ phải, không sợ cộng sản.
Chính phủ Việt Nam phải biết sợ lòng dân, không sợ tự do dân chủ, không sợ Trung Cộng.

Đảng cộng sản Việt Nam phải biết trân trọng và làm theo lời dạy của tiền nhân:
“Chánh quyền phải quí trọng dân, phải có trách nhiệm trước dân và phài thực sự là người quản gia, nô bộc trung thành với dân, không phải là những hung thần chuyên gieo rắc khổ đau và nỗi bất hạnh triền miên cho dân”.

Đảng cộng sản Việt Nam, những đảng viên trẻ nhiều nhiệt huyết với tấm lòng vì tổ quốc đồng bào, hãy nhanh chóng tỉnh ngộ hồi đầu, hãy hòa mình với trào lưu văn minh tiến bộ của thế giới:
Đặt tổ quốc trên quyền lợi nhứt thời của đảng và phe nhóm.
Từ bỏ chế độ độc tài toàn trị dựa vào hỏa mù chủ nghĩa xã hội và đề cao cá nhân làm bình phong cho chế độ.
Thực sự trả lại cho toàn dân quyền quyết định chọn lựa lãnh đạo điều hành việc nước.
Chấp nhận thực hiện chế độ đa đảng, các tổ chức đảng phái được quyền bình đẳng trong tinh thần nhân bản, tương ái chân chính.
Tôn trọng, khuyến khích và bảo vệ đối lập, chấp nhận đấu tranh chính trị trong tinh thần tự do dân chủ và tôn trọng lẫn nhau.

Khi đó toàn dân mới một lòng đứng lên đánh đuổi ngoại xâm.
Khi đó bạn bè trong khu vực và trên thế giới mới đồng tâm hiệp lực giúp bảo vệ Việt Nam.
Khi đó bọn xâm lược phương Bắc mới sợ và chùn bước.
Khi đó chính quyền mới thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Khi đó cái gông “sợ” mới thực sự được tháo khỏi thể xác và tâm hồn của dân Việt.
Khi đó “Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc” mới là điều hiện thực trên toàn cõi Việt Nam mà không chỉ là một khẩu hiệu trống rỗng giả dối và mị dân.

Ngày 09 tháng 12 năm 2009
Lê Quang Long, Ngô Khoa Bá, Nguyễn Hùng

No comments:

Post a Comment