Họa trung hữu phúc, phúc trung hữu họa.
Ngày xưa có một ông vua có rất nhiều cận thần thân tín. Tuy nhiên ông ta tỏ ra đặc biệt yêu mến một người trong số họ bởi người này rất thông minh, giỏi giang và luôn luôn đưa ra những lời khuyên hữu ích.
Một ngày nọ, nhà vua bị một con chó cắn vào ngón tay và vết thương ngày càng trở nên trầm trọng. Nhà vua liền hỏi người cận thần rằng đó có phải một điềm xấu hay không. Người cận thần trả lời: “Đó là điều tốt hay xấu thì khó mà có thể nói trước được, thưa đức vua”.
Cuối cùng, ngón tay của nhà vua bị hoại tử nặng và cần phải cắt bỏ. Nhà vua liền hỏi lại người cận thần: “Hẳn đây là một điềm xấu?”.
Một lần nữa, người cận thần vẫn trả lời như cũ: “Tốt hay xấu rất khó để nói, thưa đức vua”. Nhà vua tức giận tống giam người cận thần của mình.
Vào một ngày nhà vua đi săn trong rừng. Ông khấp khởi mừng thầm khi mải mê đuổi theo một con nai rồi ngày càng dấn sâu hơn vào rừng rậm. Cuối cùng nhà vua nhận thấy mình bị lạc. Điều tồi tệ hơn là ông bị thổ dân bắt lại làm vật tế thần. Nhưng họ bất ngờ nhận ra rằng nhà vua thiếu mất một ngón tay. Ngay lập tức họ thả nhà vua ra vì ông ta không phải là một người đàn ông hoàn hảo và không phù hợp để dâng cúng - Tế Thần.
Sau đó nhà vua đã tìm được đường về cung điện. Nhà vua hiểu ra lời nói của người cận thần năm xưa:
“Tốt hay xấu thì khó mà có thể nói trước được”. Nếu không bị mất một ngón tay, nhà vua có thể đã bị giết.
Ngay lập tức, nhà vua truyền lệnh thả người cận thần của mình và xin lỗi anh ta. Nhưng người cận thần không có vẻ gì oán trách nhà vua khi bị tù đày. Trái lại, người cận thần nói: “Đó không hẳn là điều tồi tệ khi đức vua giam thần lại”.
“Tại sao?”, nhà vua hỏi.
“Bởi nếu đức vua không giam thần lại, thần sẽ được đi theo trong chuyến đi săn. Nếu người dân bản địa nhận ra rằng nhà vua không thích hợp cho việc cúng tế, họ sẽ sử dụng thần để dâng lên vị thần của họ”.
Đôi khi chúng ta luôn cảm thấy thất vọng, đau buồn khi mọi thứ không suôn sẻ như mong đợi. Cũng có khi cảm giác như cả thế giới đang sụp đổ. Khi điều đó xảy ra, không có gì là sai khi chúng ta khóc hoặc cảm thấy thất vọng. Nhưng một khi bạn bình tĩnh và kiểm soát bản thân trở lại, hãy thử nhìn chúng dưới một góc độ khác, có thể bạn sẽ nhận ra rằng chúng không tồi tệ như bạn nghĩ và đôi khi là cơ hội để bạn có được điều tốt hơn.
Có những điều tưởng chừng như thuận lợi ban đầu lại có kết thúc tồi tệ và ngược lại.
Không có gì thực sự xác định được là xấu hay tốt. Hay chăng chỉ là vấn đề mà chúng ta nhìn nó theo chiều hướng tích cực hay bi quan mà thôi.
Nói cách khác, trong cái rủi có cái may, và điều quan trọng nhất là không bao giờ được từ bỏ hy vọng. Vì nơi nào có sự sống, nơi đó có hy vọng (Where there's life, there's hope). Thế giới này vẫn luôn có một nơi tốt đẹp và cuộc sống vẫn muôn màu.
Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín
NHÂN
Thời nào cũng vậy, chữ nhân luôn đặt lên hàng đầu, là quan trọng hơn cả, nó đã là bao quát, là đạo làm người. Dù thời xưa hay thời nay chữ nhân đó vẫn thể hiện trong cách sống của mỗi con người. Cách đối nhân xử thế, tấm lòng của con người giữa đời thường, cũng như vai trò trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội.
Chữ nhân trong mỗi người không chỉ là một tấm lòng, tấm lòng yêu thương con người, quê hương đất nước mà còn biết gắn cái riêng của mình vào cái chung của xã hội hiện tại, với sự ràng buộc giữa người với người, bằng những mối liên quan gắn kết.
NGHĨA
Muốn thực hành chữ nghĩa, thì phải noi theo câu: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhơn”. Những việc gì ta chẳng muốn ai làm cho ta chịu đau khổ thảm sầu thì ta không nên đem các điều ấy mà làm cho người khác, mới là trọn nghĩa.
Chữ nghĩa bao hàm rất lớn thay. Như là nghĩa cha con, nghĩa thầy trò, nghĩa chồng vợ, nghĩa anh em cốt nhục đồng-bào, nghĩa bằng hữu chi giao, ấy là ngũ-luân chi đạo. Mọi sự đều phải có nghĩa, thì mới đủ tư-cách làm người cao trọng.
Chữ nhân và chữ nghĩa thường đi đôi với nhau, cho nên trong Kinh Sám Hối có 4 câu dạy rằng:
Làm người nhân-nghĩa xử xong,
Rủi cho gặp lúc long-đong chẳng sờn.
Làm người nhân-nghĩa giữ tròn,
Muôn năm bóng khuất tiếng còn bay xa.
Nghĩa ở đây thể hiện vai trò, trách nhiệm của con người với người, giữa người với đời, với xã hội hiện tại. Sống ở đời cần có một trách nhiệm với đời, cũng chính vì vậy mà cần có nghĩa, sống có trách nhiệm với quê hương đất nước, với gia đình, với anh em bằng hữu cũng là nghĩa. Biết trả ơn khi mình đã nhận được những điều may mắn trong cuộc sống – đó cũng là nghĩa. Tại sao có nhiều người luôn biết quan tâm giúp đỡ mọi người trong xã hội, làm từ thiện tri ân với đời… cũng vì họ sống có nghĩa với đời, với cuộc sống hiện tại, họ biết cho khi đã nhận.
Nghĩa cũng là sống cho mọi người chứ không chỉ sống cho riêng cá nhân mình.
LỄ
Xem qua cách hành xử, ứng xử cùng với những nghi thức, lễ nghi đúng thủ tục, hợp lòng người trong cuộc sống đương thời mà qua đó xã hội đánh giá đến sự hiểu biết của một cá nhân, phải đạo với trời đất, hợp đạo với đời.
Con người có thể sống cao thượng, phẩm giá được tôn quí là do nơi biết giữ lễ, còn bị tội lỗi làm mất tư-cách con người, thiên-hạ chê bai khinh bỉ nhục-nhã, là do nơi thất lễ.
Nếu đánh giá một con người, một gia đình mà chỉ xét qua cách hành lễ nghi thôi không xét về nghĩa thì quả là thiếu sót. Bởi có nhiều người trong xã hội hàng ngày hành sự có thừa lễ nghi nhưng nghĩa thì lại thiếu.
TRÍ
Nếu muốn làm được việc nghĩa thì phải có trí, phải có một sự hiểu biết nhất định ở xã hội. Có nhân, có nghĩa mà không có trí thì chẳng khác nào một người lính ra trận chỉ có áo giáp mà không có gươm, đao, chỉ bảo vệ được mình mà không bảo vê được người khác. Sống ở đời nếu chỉ sống cho riêng ta thì đơn giản quá, mà muốn giúp đỡ được người khác tất mình phải có tài, có hiểu biết.
Trí là một sự hiểu biết, người không trí, không hiểu biết thì quả là một thiệt thòi lớn, có thể nói người không trí không làm được gì cả. Nếu như ngày xưa đánh giá chữ trí của một con người qua sự hiểu biết về đạo quân tử, triết lý Khổng giáo, Lão giáo hay Phật giáo thì ngày nay ngoài sự hiểu biết về lĩnh vực văn hóa xã hội, triết học thì cần có một sự hiểu biết về khoa học tự nhiên, bước sang thế kỷ XXI, với cuộc sống hiện đại, thông tin chóng mặt thì điều đó là cần thiết. Hiểu biết nhiều có thể làm được nhiều việc có ích với đời nếu người đó có nhân, có nghĩa trong tâm.
TÍN
Chữ tín là bằng hữu của uy tín, thủy chung trước sau như một, không thay lòng đổi dạ, dù hứa hẹn một việc nhỏ cũng chẳng sai lời, mới gọi là người biết giữ uy tín.
Chữ tín trong cuộc sống hàng ngày rất quan trọng, dù thời xưa hay thời nay thì sống ở đời mọi người cũng cần có một uy tín nhất định trong quan hệ với mọi người xung quanh. Thời xưa cái uy tín với bạn bè luôn được đánh giá cao, uy tín đó sẽ gây dựng được lòng tin, mọi người tin tưởng sẽ dễ dàng được mọi người giúp đỡ trong cuộc sống. Nói thì phải làm, sống trung thực với mọi người, với bản thân.
Ngày nay cũng vậy cho dù anh có tài nhưng không có được uy tín thì cũng chẳng ai theo, muốn được người khác giúp đỡ thì bản thân mình phải giữ được lòng tin trước mọi người, chưa nói đến trong quan hệ làm ăn ở xã hội, chữ tín cái uy tín trong công việc luôn đặt lên hàng đầu, quyết định đến sự thành công.
Nói chung, Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín luôn có sự gắn kết với nhau, làm con người mà thiếu đi một cũng không được. Như bài thơ sau:
Người không có Nhân thì sẽ thành kẻ độc ác.
Người không có Nghĩa thì sẽ thành kẻ bội bạc.
Người không có Lễ thì sẽ thành kẻ vô phép.
Người không có Trí thì sẽ thành kẻ ngu ngốc.
Người không có Tín thì sẽ thành kẻ giả dối.
No comments:
Post a Comment