http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/11/141128_dieucay_south_vn_flag
Điếu Cày và 'phép thử cờ vàng'
- 28 tháng 11 2014
Sự kiện nhà tranh đấu Điếu Cày được trả tự do và tống xuất sang Hoa Kỳ được đón tiếp nồng hậu bởi cộng đồng Việt Nam và sau đó xảy ra vụ "áp đặt cờ vàng" ngay tại phi trường Los Angeles đã dẫn đến tranh cãi gay gắt trong cộng đồng giữa các luồng quan điểm chính trị khác nhau.
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bỗng nhiên trở thành tâm điểm của những cọ xát về quan điểm chính trị nhiều hơn là cuộc tranh đấu của bản thân ông với guồng máy của nhà nước Việt Nam.
'Chống cộng giả hiệu'
Từ nhiều năm nay, do các yếu tố từ quá khứ chiến tranh, từ những trò "chống cộng" giả hiệu để gạ gẫm tiền bạc, cho đến những bất đồng quan điểm giữa các thành phần trong cộng đồng, đã dẫn đến một thực trạng tiêu cực trong cộng đồng mà ai cũng lắc đầu ngán ngẩm, đó là sự phân hóa và mất niềm tin lẫn nhau.
Do những yếu tố trên, người trong cộng đồng dường như không tin bất cứ điều gì. Họ luôn đề phòng và thụ động. Họ sẵn sàng nghi kỵ bất cứ điều gì. Sự mất niềm tin này đã nhiều lần khiến cho các sinh hoạt trong cộng đồng trở nên ngột ngạt hơn.
Bên cạnh đó là sự cực đoan của một số người, luôn nhân danh lá cờ vàng ba sọc đỏ, hay nhân danh VNCH, nhân danh "đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền" để áp đặt những quan điểm của họ lên người khác, và nếu ai đó có ý kiến khác biệt sẽ bị qui chụp "Việt gian", "tay sai Việt cộng" hay "làm lợi cho Cộng sản".
Và kết quả sẽ là những cuộc biểu tình mang tính "áp đảo", tẩy chay, đôi khi còn tệ hại hơn như các trường hợp đã bị sát hại ở thập niên 80 và đầu thập niên 90.
Đứng ở góc nhìn tiêu cực thì rõ ràng sự cực đoan đã đẩy người trong cộng đồng mất hẳn niềm tin lẫn nhau, trở nên gay gắt hơn và gây bầu không khí ngột ngạt thiếu lành mạnh trong cộng đồng.
Đứng ở góc nhìn tích cực thì sự mất niềm tin và cực đoan này cũng tác động tốt đến phần nào trong các sinh hoạt, nó khiến người ta suy xét cẩn thận hơn, sàng lọc kỹ hơn, không bị lôi kéo vào những sự kiện mang tính bầy đàn, vốn đã từng bị một số tổ chức chính trị hay một số cơ quan truyền thông từng gây ra những tiêu cực trong quá khứ mà nạn nhân không ai khác chính là những thành viên trong cộng đồng.
Cờ Vàng và phép thử máu
Từ năm 2002 sau khi nghị viên Andy Quách của thành phố Westminster vận động thông qua "Nghị quyết cờ vàng" đến nay, đã có nhiều thành phố, tiểu bang cũng có những hành động tương tự, và sự việc lan tỏa không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn trải rộng ra các quốc gia khác.
Lá cờ vàng hôm nay không còn là biểu tượng của đất nước Việt Nam, nhưng đến thời điểm hiện tại lá cờ được xem là biểu tượng chung cho người Việt ở hải ngoại, cho cộng đồng Việt Nam ở khắp nơi, trừ đất nước Việt Nam.
Do phân tích ở trên về sự cực đoan và mất niềm tin lẫn nhau, lá cờ vàng đã trở thành một "phép thử máu" cho nhiều sinh hoạt khác nhau trong cộng đồng.
Một người mới gia nhập vào sinh hoạt cộng đồng, một người muốn lãnh đạo tổ chức nào đó trong cộng đồng, một chính trị gia muốn kiếm phiếu của cộng đồng, đều được trao lá cờ vàng để "thử máu".
Thậm chí để tìm hiểu lập trường của một cá nhân, một tổ chức trong cộng đồng, đôi khi người ta buộc phải treo cờ vàng hoặc mở đầu các chương trình bằng thủ tục "chào quốc kỳ" và hát quốc ca VNCH.
Nếu từ chối thì sẽ nhận lãnh ngay các hậu quả không lường trước, nhẹ thì bị đặt vấn đề trên báo chí, Internet, nặng thì có thể dẫn đến bị tẩy chay, bị biểu tình.
Một nghị viên, một thị trưởng gốc Việt mới đắc cử, điều được "thử máu" bằng cách này để khẳng định lập trường, họ phải ra những "Nghị quyết vinh danh cờ vàng" hay những "nghị quyết gây khó khăn cho giới chức nhà nước Việt Nam" khi đến thành phố của họ sinh sống, thường hay được diễn dịch là "Nghị quyết cấm cửa viên chức cộng sản Việt Nam".
Tóm lại trong một cộng đồng đang bị phân hóa và mất niềm tin lẫn nhau, lá cờ vàng trở thành một "phép thử máu" hay một tấm "bình phong" an toàn cho bất cứ ai có những dự án gì trong cộng đồng.
Trường hợp Điều Cày
Ngay trong cuộc hội luận đầu tiên, ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vẫn tự tin với thành tích tranh đấu của bản thân nên khẳng định ông chỉ chọn lá cờ nào mà dân chúng trong và ngoài nước chấp nhận, một câu nói "khéo" để tránh đụng chạm các phía, mà theo đó bao gồm những người đang đón nhận ông ở hải ngoại chọn cờ Vàng, và những bạn tranh đấu trong nước của ông không thích lá cờ Vàng, đồng thời cũng để tránh bị nhà nước Việt Nam qui chụp cuộc tranh đấu "Xã Hội Dân Sự" của ông và bạn hữu, trở thành những "thế lực thù địch" muốn tái lập nước VNCH.
Nhưng đến cuộc hội thảo diễn ra tại Washington D.C, ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã phải thốt lên câu "nhập gia tùy tục" - một hành động bị xem là thỏa hiệp với một số người cực đoan để có thể hội nhập vào cộng đồng mà ông đang phải hội nhập trong những ngày tháng sắp tới.
Đứng ở góc cạnh đấu tranh và bối cảnh lý lịch của blogger Điếu Cày, việc "chấp nhận" lá cờ vàng có thể sẽ gây khó khăn nhiều hơn cho bản thân ông và bạn bè đang tranh đấu trong nước, nhất là gia đình ông đang có nhiều dấu hiệu bị an ninh Việt Nam tìm cách cô lập hay trù dập.
Nhưng đứng ở góc nhìn của nhiều thành phần trong cộng đồng xem lá cờ Vàng là biểu tượng, họ muốn ông phải khẳng định lập trường nếu ông muốn tiếp tục sinh hoạt và hội nhập trong cộng đồng, hay tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng cho công cuộc tranh đấu của ông, vì lá cờ Vàng đang là biểu tượng chung của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Không chấp nhận biểu tượng chung này, có nghĩa là chọn đứng ngoài và điều này sẽ giới hạn các hoạt động của ông, vì các lời kêu gọi hay các dự án của ông sẽ không được hỗ trợ bởi những người người ủng hộ cho biểu tượng cờ Vàng.
Không chỉ riêng ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải mà tương lai của các nhà bất đồng chính kiến trong nước, những nhà hoạt động tranh đấu cho Xã hội Dân sự cũng sẽ gặp trường hợp tương tự nếu họ vượt thoát hay bị tống xuất ra hải ngoại.
Đây sẽ là bài toán khó cho họ vì chọn hay không chọn cờ Vàng thì các sinh hoạt đấu tranh của họ cũng sẽ bị giới hạn một cách cụ thể.
Chung cuộc
Vụ tranh cãi "Áp đặt cờ vàng" tại phi trường LAX hay lấy chiếc khăn mang hình ảnh cờ vàng quấn cổ Điếu Cày cho thấy trong cộng đồng Việt Nam có nhiều quan điểm trái ngược nhau, nhưng tựu chung chỉ có hai khuynh hướng rõ rệt.
Những người được xem là thoáng trong cộng đồng nghĩ rằng các thế hệ lãnh đạo kế tiếp của người cộng sản tại Việt Nam sẽ trẻ trung hơn và sẽ thay đổi để Việt Nam được hội nhập vào cộng đồng quốc tế dù có chậm hơn mặt bằng thế giới, do đó họ chọn thái độ không quá gay gắt, đôi khi sẵn sàng tiếp cận với giới chức của nhà nước Việt Nam để tìm hiểu hay tìm cách thay đổi.
Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người trong cộng đồng không tin rằng người Cộng sản sẽ thay đổi, từ những bài học trong quá khứ chiến tranh, cho đến sự quản lý đất nước một cách tồi tệ hiện nay, do đó họ chủ trương rằng, muốn Việt Nam thay đổi và khá hơn thì cách duy nhất là phải lật đồ hoàn toàn thể chế do người Cộng sản lãnh đạo.
Với các khuynh hướng nói trên, trong những ngày tháng sắp tới sẽ là những thử thách khá nghiệt ngã cho các nhà tranh đấu, vì họ chưa có giải pháp nào có thể đạt được sự ủng hộ của các phía khác nhau.
Và chính điều này là hệ quả dẫn đến một số thất bại của các nhà tranh đấu: hồ sơ nhân quyền Việt Nam vẫn mỗi ngày một tệ hơn vì lực lượng tranh đấu chưa đủ lực thuyết phục được cộng đồng quốc tế.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà báo tự do từ Quận Cam, California, Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment