Ngôn tự 言字 tức lời nói và chữ viết là thông tin quy ước mang tính biểu kiến dùng làm phương tiện diễn đạt ý. Các thức giả xưa có lưu ý hành giả không nên bám chặt vào ngôn tự và phương pháp (giáo pháp), vì chúng chỉ là những phương tiện nhất thời nhằm hướng dẫn hành giả thấu đạt lẽ thật. Thuyết “Bất lập văn tự” của Thiền tông được lập ra chính là dựa trên cơ sở này.
1) Trong tục ngữ Hán Việt có nói:
- Ý tại ngôn ngoại 意在言外 Ý ở ngoài lời
2) Trong Dịch kinh có nói:
- Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý 書不盡言,言不盡意 (Hệ từ thượng 繫辭上): Sách không nói hết lời, lời không diễn hết ý.
3) Trong Đạo Đức kinh của Lão Tử có nói:
- Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri 知者不言言者不知: Người biết thì không nói (lời), người nói thì không biết.
4) Trong Nam Hoa kinh của Trang Tử có nói:
- Thuyên giả sở dĩ tại ngư, đắc ngư nhi vong thuyên.
Ðề giả sở dĩ tại thố, đắc thố nhi vong đề.
Ngôn giả sở dĩ tại ý, đắc ý nhi vong ngôn.
Ngô an đắc phù vong ngôn chi nhân nhi dữ chi ngôn tai.
筌者所以在魚。得魚而忘筌。
蹄者所以在兔。得兔而忘蹄。
言者所以在意。得意而忘言。
安得夫忘言。之人而與之言哉。
Nghĩa:
Có nơm là vì cá, đặng cá hãy quên nơm.
Có dò là vì thỏ, đặng thỏ hãy quên dò.
Có lời là vì ý, đặng ý hãy quên lời.
Ta sao tìm đặng người biết quên lời, hầu cùng ta bàn luận!
5) Trong kinh điển đạo Phật có ghi:
- Trong Tăng Chi Bộ kinh (III. 539-43), bài kinh Phật thuyết cho người dân Kalama như sau (nghe nơi đây chính là lời nói, là văn tự):
Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm, chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy: "Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán, nếu sống và thực hiện lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu, về dài" thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo”.
- Kinh Kim Cương lại chép:
“Các Thầy Tỳ kheo phải biết: Giáo pháp của ta cũng như chiếc bè đưa người qua sông, các ông không nên trụ chấp nơi giáo pháp, chánh pháp còn không trụ chấp huống chi là phi pháp”
- Kinh Viên Giác cũng nhấn mạnh:
“Tất cả kinh giáo của Như Lai đều như ngón tay để chỉ mặt trăng Viên giác”
Ẩn dụ “CÁI NÔM, CÁI DÒ”, “CHIẾC BÈ”, “NGÓN TAY CHỈ MẶT TRĂNG” nhằm chỉ cho hành giả thấu triệt bản chất của các pháp một cách chân thật rốt ráo, chớ nên trụ chấp vào chúng, bởi tất cả chúng đều do duyên hợp mà sanh, duyên ly mà diệt. Tất cả mọi sự vật trên thế gian này đều như huyễn, tuy có nhưng không thật là có. Thật tướng của chúng là Không (có nhưng không thực là có) hay chân Không, chân Không diệu Hữu (có nhưng không thực là có, không nhưng không thực là không). Cái dụng của Không thì tuỳ duyên mà hiển hiện ra vạn tượng.
HT
No comments:
Post a Comment